Thăng tiến Chu_Dị_(nhà_Lương)

Theo lối cũ, người ta lên 25 tuổi mới được nhận quan chức. Bấy giờ Dị mới 21 tuổi, được hoàng đế đặc cách giáng sắc, cất nhắc làm Dương Châu Nghị tào tòng sự sử. Ít lâu sau triều đình giáng chiếu cầu kẻ sĩ có dị năng, Bác sĩ Minh Sơn Tân dâng biểu tiến cử Dị, nên ông được Lương Vũ đế triệu kiến. Vũ đế sai Dị giải nghĩa Hiếu kinh, Chu Dịch, nghe xong thì rất hài lòng, nói với tả hữu rằng: “Chu Dị thật dị.” Sau đó đế gặp Minh Sơn Tân, khen ông ta tiến cử đúng người; rồi triệu Dị làm Trực Tây tỉnh, ít lâu sau cho kiêm chức Thái học bác sĩ. Năm ấy Vũ đế tự giảng Hiếu kinh, sai Dị làm Chấp độc. Tiếp đó Dị được thăng làm Thượng thư Nghi tào lang, vào cung làm Kiêm Trung thư thông sự xá nhân, dần thăng đến Hồng lư khanh, Thái tử hữu vệ soái, ít lâu được gia chức Viên ngoại thường thị.[1][2]

Năm Phổ Thông thứ 5 (524), triều đình cử đại quân bắc phạt, Từ Châu thứ sử Nguyên Pháp Tăng của Bắc Ngụy sai sứ xin dâng đất nội thuộc, triều đình giáng chiếu cho hữu tư bàn bạc hư thực. Dị cho rằng quân nhà Lương liên tiếp thắng lợi, chiếm dần đất đai Từ Châu, tất cả quy tội cho Nguyên Pháp Tăng, khiến ông ta sợ vạ sắp đến, buộc phải đầu hàng. Lương Vũ đế sai Dị trả lời Nguyên Pháp Tăng, còn sắc cho quân đội tiếp ứng, chịu sự tiết độ của ông. Dị đến nơi, Nguyên Pháp Tăng tuân theo mệnh lệnh của triều đình, như lời của ông.[1][2][3] [lower-alpha 5]

Năm Trung Đại Thông đầu tiên (529), Dị được thăng làm Tán kỵ thường thị.[1][2] Dị có dung mạo khôi ngô, tính cách tự tin [lower-alpha 6], dẫu xuất thân là chư sanh, nhưng rất quen thuộc với quốc quân đại sự.[2] Sau khi Chu Xá mất, Dị thay ông ta nắm cơ mật: thay đổi quan viên của phương trấn, tổ chức sự kiện ở triều đình, phát ra các loại công văn chiếu – cáo – sắc, đều được nắm giữ.[4] [lower-alpha 7] Biểu – sớ của địa phương, văn thư của triều đình, đủ các vấn đề, được chất đầy trước bàn; Dị miệng nói tay viết, đọc rồi quyết định, xử lý rất nhanh, không hề dừng bút, chỉ trong chốc lát thì mọi việc đều xong.[1][2]

Năm Đại Đồng thứ 4 (538), Dị được thăng làm Hữu vệ tướng quân. Năm thứ 6 (540), Dị khải xin tổ chức trình bày Lão Tử nghĩa của Vũ đế ở Nghi Hiền đường, được sắc đồng ý. Khi giảng giải, quan viên và đạo – tục đến nghe có hơn ngàn người, là sự kiện lớn một thời. Bấy giờ Dị ở phía tây kinh thành mở Sĩ Lâm quán để mời gọi Học sĩ, cùng Tả thừa Hạ Sâm thay nhau hằng ngày trình bày Lễ ký trung dung nghĩa của Vũ đế, được Hoàng thái tử Tiêu Cương triệu đến Huyền Phố giảng kinh Dịch. Năm thứ 8 (542), Dị được đổi gia chức Thị trung. Năm Thái Thanh đầu tiên (547), Dị được thăng làm Tả vệ tướng quân, lĩnh Bộ binh. Năm thứ 2 (548), Dị được thăng làm Trung lĩnh quân, Xá nhân như cũ.[1][2]

Vũ đế mơ chiếm được Trung Nguyên, vào buổi chầu đầu năm nghe cả triều chúc thọ, rất vui vẻ, đem giấc mơ kể cho Dị, còn nói: “Ta bình sanh ít mơ, mơ ắt có thật!” Dị đáp rằng: “Đây là lúc trong nước sắp có 1 cuộc chinh phạt.” Đến nay Hầu Cảnh quy hàng, Vũ đế sắc cho quần thần bàn bạc; bọn thượng thư Tạ Cử nói rằng không nên nhận, nhưng Vũ đế muốn nhận, nên chưa quyết được. Vũ đế dậy sớm đến Vũ Đức Hợp khẩu, tự nói với mình: “Quốc gia của ta giống như cái âu vàng, không có khiếm khuyết, hòa bình như vậy, nay nhận đất này, có nên hay không? Thảng hoặc loạn lạc, thì hối không kịp.” Dị dò biết lòng dạ của Vũ đế, ứng tiếng nói rằng: “Hoàng đế cai trị, ứng với ý trời, dân đên phương bắc, ai chẳng ngưỡng mộ? Vì không có cơ hội, chẳng biểu đạt tấm lòng mà thôi. Nay Hầu Cảnh chiếm nước Ngụy quá nửa, giao nộp xin hàng, về với triều đình, há chẳng phải trời dỗ dành lòng trung của hắn, người khích lệ mưu kế của hắn! Suy lòng xét việc, cũng rất đáng khen. Nay nếu không nhận, sợ không còn cơ hội về sau. Công lao này dễ thành, xin bệ hạ đừng nghi ngờ.” Vũ đế rất nghe lời Dị, lại nhớ đến giấc mơ trước đó, bèn tiếp nhận.[1][2][5]

Đến khi Trinh Dương hầu Tiêu Uyên Minh thua trận bị bắt, từ Đông Ngụy sai sứ trở về, kể rằng quyền thần Cao Trừng muốn hòa mục; Vũ đế sắc cho hữu tư bàn bạc, Dị cho rằng hòa là việc nên làm, đế nghe theo. Tháng 6 ÂL năm ấy, nhà Lương sai Kiến Khang lệnh Tạ Đĩnh, Thông trực lang Từ Lăng đi sứ phương bắc để thông hảo. Bấy giờ Hầu Cảnh trấn thủ Thọ Xuân, nhiều lần khải xin cắt đứt hòa ước, đề nghị đuổi theo gọi sứ giả trở về. Hầu Cảnh còn gửi 200 lạng vàng kèm với thư cho Dị, lời lẽ thiết tha. Dị nhận vàng của Hầu Cảnh, chỉ đem sắc – chỉ của hoàng đế thông báo với ông ta, chứ không dừng việc đi sứ.[6] Tháng 8 ÂL, Hầu Cảnh mượn danh nghĩa thảo phạt Dị và Lục Nghiệm để dấy binh nổi loạn.[1][2][7] Trước đó Dị mộ được 3000 binh, nay phản quân đến, bèn lấy họ giữ cửa Tư Mã.[1]